Bí quyết chọn cua
Cua bể, cua gạch và cua thịt đều ngon và rất bổ dưỡng. Cua bể còn có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao bởi hàm lượng mỡ thấp, protein cao, dồi dào về khoáng chất và vitamin.
Nhưng với người tiêu dùng, thứ thực phẩm ngon, bổ này đang bị “ăn cướp” giá trị trắng trợn bởi ngoài dây trói cua sũng nước nhằm tăng cân (có khi tới 5 lạng), còn bị bơm gạch rởm (là bột mì với lòng đỏ trứng vịt trộn chất bảo quản có thành phần phoócmôn) vào mai cua để chúng gồ lên toàn gạch. Thông tin này đã làm nhiều người tiêu dùng hoang mang.
Những người buôn cua cho biết, hiện cua gạch bãi (cua tự nhiên) rất ít, phần lớn là cua nuôi. Tại các chợ vùng biển có 3 loại cua gạch: Cua phía Nam, cua phía Bắc và cua Trung Quốc. Cua phía Nam thường có màu đồng hun. Cua phía Bắc và cua Trung Quốc màu xanh xám.
Anh Nguyễn Văn Sỹ chuyên nuôi cua quảng canh ở Cà Mau cho biết: Nguồn thức ăn cho cua chủ yếu từ tự nhiên (là sinh vật phù du tạo từ bón phân gây màu nước), hoặc cám, bột, cá, tép, ruốt, trùn quế, cá tạp vụn, tép, moi khô, nhuyễn thể...
Hàng ngày còn phải thay 20 - 30% lượng nước trong ao nuôi, 1 tháng thay toàn bộ nước ao 1 - 2 lần. Nước sạch, thức ăn ngon sạch mới kích thích cua hoạt động, ăn nhiều, sau 4 tháng nuôi cua đạt 0,25 – 0,3 kg/con thì bán mới có lãi.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi Hải sản (Đại học Thủy sản Cần Thơ) - khẳng định: Nếu giảm chi phí mà người nuôi dùng thức ăn không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, hay dùng rác bẩn (như tận dụng cả băng vệ sinh như đồn đại) thì cua sẽ bị nhiễm tạp khuẩn, nhiễm bệnh… Nếu có tình trạng đó thì chỉ là thiểu số, và cơ quan chức năng biết sẽ xử lý.
Quy trình nuôi cua nếu không đảm bảo chất lượng, vệ sinh… thì cua sẽ bị nhiễm bệnh chết trước khi trưởng thành, và người nuôi sẽ lỗ to. Nếu cua bệnh mà người nuôi thu hoạch sớm thì cua non nhỏ quá (dưới 4 – 5 con/kg) thì lượng thịt không có, chỉ có thể làm được mắm (hoặc giã nấu riêu, canh, không ăn thịt trực tiếp được). Giá cua thịt, cua gạch cao, không bán được thì người nuôi sẽ lỗ nặng.
Theo GS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, ĐH Quốc gia Hà Nội), việc bơm tạp chất vào cua cũng chưa rõ, cần phải làm các xét nghiệm mới biết. Giả sử có phormaldehyt ướp xác, chống mốc quần áo thì nấu nướng lên hóa chất cũng tự bay hết.
Nếu chỉ có bột mì, lòng trứng để lâu cua chết thì không ổn, nhưng bơm vào phải bán ngay cho người ăn luộc và chế biến thì không sao. Chứ thứ đó bơm lâu thì cua chết, bán sao được nữa! Những chất đó không phải là gạch cua, nhưng ăn phải cũng không sao, bởi đó chỉ là bột mì và trứng.
Mấy năm nay nghề nuôi tôm luôn gặp thua lỗ thì cứu tinh của dân ven biển là nghề nuôi cua gạch son xuất khẩu, thu nhập khá ổn định, vốn đầu tư ít, dễ nuôi, ít bệnh… và nuôi cua thương phẩm đang thắng lớn vì trúng mùa, trúng giá. Tin đồn thỉnh thoảng lại xuất hiện, trước đây là về cá kèo, rô phi, điêu hồng… đã gây thiệt hại rất nhiều cho người nuôi. Khi có những thông tin về thực phẩm không phù hợp, các cơ quan liên quan sẽ kiểm tra xử lý như với các thực phẩm trước đây có vấn đề. Người tiêu dùng nên cảnh giác trước những tin đồn có hại cho ngành thủy sản. PGS. TS Nguyễn Văn Hòa Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi Hải sản (ĐH Thủy sản Cần Thơ) |
Nguồn: giadinh.net.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét