Tuần giao dịch từ ngày 19/11 đến ngày 23/11, sàn HOSE có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm. Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 4 điểm (-1,04%) so với tuần trước, xuống 381,71 điểm. Khối lượng giao dịch trung bình đạt 26,17 triệu đơn vị/phiên, giảm 10,19% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân đạt 385 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ 0,58% so với tuần trước.
Giao dịch trên HOSE trong tuần từ 19 - 23/11 |
Ngày | VN-INDEX | Thay đổi | Khối lượng GD | Giá trị GD |
16/11/2012 | 385,71 | -1,20(-0,31%) | 22.581.300 | 301.440 |
19/11/2012 | 383,32 | -2,39(-0,62%) | 22.546.573 | 378.280 |
20/11/2012 | 385,10 | +1,78(+0,46%) | 24.465.850 | 336.100 |
21/11/2012 | 383,87 | -1,23(-0,32%) | 21.613.044 | 364.700 |
22/11/2012 | 383,22 | -0,65(-0,17%) | 18.231.190 | 207.480 |
23/11/2012 | 381,71 | -1,51(-0,39%) | 21.445.906 | 336.490 |
Tổng | | -4,00 (-0,39%) | 130.883.863 | 1.924.490 |
Trong khi đó, sàn HNX có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Kết thúc tuần, HNX-Index đứng ở mức 51,23 điểm, giảm 0,58 điểm (-1,12%) so với tuần trước. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 24,49 triệu đơn vị/phiên, giảm 15,55% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân đạt 136,17 tỷ đồng/phiên, giảm 21,23% so với tuần trước.
Giao dịch trên HNX trong tuần từ 19 - 23/11 |
Ngày | HNX-Index | Thay đổi | Khối lượng GD | Giá trị GD |
16/11/2012 | 51,81 | +0,12(+0,23%) | 19.939.564 | 113.630 |
19/11/2012 | 51,45 | -0,36(-0,69%) | 25.215.068 | 140.460 |
20/11/2012 | 51,90 | +0,45(+0,87%) | 22.485.216 | 124.470 |
21/11/2012 | 51,41 | -0,49(-0,94%) | 14.951.275 | 85.370 |
22/11/2012 | 51,58 | +0,17(+0,33%) | 18.526.212 | 91.940 |
23/11/2012 | 51,23 | -0,35(-0,68%) | 21.345.248 | 124.970 |
Tổng | | -0,58(-1,12%) | 122.462.583 | 680.840 |
Nhà đầu tư nước ngoài trong tuần qua vẫn duy trì mua ròng trên HOSE, nhưng mức rất nhẹ, trong khi bán ròng khá mạnh trên HNX, chủ yếu là bán ra SHB.
Cụ thể, trên HOSE, trong tuần, họ mua vào 11,1 triệu đơn vị, đồng thời bán ra 12,3 triệu đơn vị. Tổng giá trị mua vào đạt 309,74 tỷ đồng và bán ra 304,74 tỷ đồng. Như vậy, trong tuần, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1,24 triệu đơn vị. Tuy nhiên, xét về giá trị, họ vẫn mua ròng 4,33 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại mua vào 1,67 triệu đơn vị, đồng thời bán ra 4,96 triệu đơn vị. Tổng giá trị mua vào đạt 21,49 tỷ đồng và bán ra 27,91 tỷ đồng. Như vậy, họ bán ròng 3,3 triệu đơn vị, tương đương giá trị bán ròng 6,42 tỷ đồng.
Tính chung trong tuần trên cả 2 sàn niêm yết, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 4,54 triệu đơn vị, gấp hơn 10 lần so với tuần trước. Giá trị bán ròng đạt 2 tỷ đồng (tuần trước họ mua ròng 89,67 tỷ đồng).
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên 2 sàn trong tuần từ 19 - 23/11 |
Ngày | Khối lượng | Giá trị |
Mua | Bán | Mua - Bán | Mua | Bán | Mua - Bán |
19/11/2012 | 2.368.100 | 4.756.910 | -2.388.810 | 76.070 | 99.950 | -23.880 |
20/11/2012 | 4.596.800 | 4.962.220 | -365.420 | 108.380 | 100.530 | 7.850 |
21/11/2012 | 3.125.832 | 3.631.752 | -505.920 | 92.430 | 80.180 | 12.250 |
22/11/2012 | 1.104.180 | 2.302.780 | -1.198.600 | 20.700 | 26.390 | -5.690 |
23/11/2012 | 1.549.312 | 1.629.270 | -79.958 | 32.980 | 25.600 | 7.380 |
Tổng | 12.744.224 | 17.282.932 | -4.538.708 | 330.560 | 332.650 | -2.090 |
Nhận định của các CTCK
Đà giảm giá có thể tiếp tục mạnh dần
(CTCK FLC - FLCS)
Quốc hội đã thông qua việc tăng lương cho năm sau, tính từ ngày 1/7/2013, lương tối thiểu tăng thêm 100 nghìn đồng/người/tháng cho 8 triệu người. Để có nguồn tăng lương, Bộ Tài chính dự kiến phải cắt giảm 10.000 tỷ đồng đầu tư công.
Diễn biến trên cho thấy, trong năm 2013, nhiều khả năng Chính phủ sẽ điều hành nền kinh tế theo hướng cắt giảm chi tiêu ngân sách, thắt lưng buộc bụng để vượt qua suy thoái. Điều này có thể dẫn đến việc suy giảm tổng cầu, làm cho số lượng doanh nghiệp giải thể tiếp tục gia tăng, tình trạng thất nghiệp có thể sẽ cao hơn hiện nay. Tuy vậy, chính điều này sẽ góp phần gia tăng sự ổn định cho nền kinh tế trong dài hạn.
Sự biến động tăng giảm của hai chỉ số VN-Index và HNX-Index trong 3 tuần trở lại đây chỉ là một bộ phận nhỏ trong một xu thế giảm giá lớn hơn. Đà giảm giá có thể tiếp tục mạnh dần lên trong tuần mới, việc mua vào lướt sóng ngắn hạn tại thời điểm này chứa đựng khá nhiều rủi ro.
Sẽ tiếp tục mất điểm
(CTCK ACB - ACBS)
VN-Index trải qua tuần giao dịch chủ yếu lình xình trong biên độ hẹp và giảm nhẹ. Đóng cửa dưới mức hỗ trợ nhỏ 383, VN-Index có thể tiếp tục mất điểm trong các phiên tới.
Hai tuần trước, việc VN-Index lấp lại Gap down hình thành trước đó khiến chúng tôi cho rằng đó là một Exhaution gap và trở nên lạc quan với chỉ số này. Tuy nhiên, diễn biến sau đó của VN-Index thật sự không như mong đợi. Việc VN-Index xuyên thủng hỗ trợ 383 cho thấy khả năng chỉ số này sẽ quay về đáy vừa qua ở 372,39. Xa hơn, VN-Index có thể đang hướng tới mức giá mục tiêu 361 của mô hình Rectangle.
Như vậy, chúng tôi chuyển qua cẩn trọng về VN-Index trong vài tuần tới. Ngược lại, nếu VN-Index vượt đỉnh 390, sự lạc quan sẽ quay trở lại.
Tương tự VN-Index, HNX-Index cũng chỉ đi ngang trong biên độ hẹp và có xu hướng giảm nhẹ trong tuần qua. Khối lượng giao dịch thấp tiếp tục cho thấy lực cầu yếu.
Đóng cửa dưới hỗ trợ nhỏ 51,3, HNX-Index có thể tiếp tục giảm sâu hơn về đáy 50,32.
Nhìn rộng hơn, như đã đề cập trong các báo cáo trước, chúng tôi cho rằng, HNX-Index không thể giảm dưới mức 48 do sóng 3 không thể là sóng ngắn nhất.
Ngoài ra, chúng tôi cũng duy trì quan điểm rằng thị trường đã giảm sâu trong thời gian dài và sẽ sớm có điều chỉnh lớn. Nếu vượt đỉnh nhỏ 52,8, chúng tôi kỳ vọng HNX-Index sẽ hồi phục về kháng cự mạnh 57 hoặc xa hơn.
Với khả năng các chỉ số có thể tiếp tục giảm sâu hơn trong các phiên tới, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại.
Khả năng hình thành mốc hỗ trợ mới
(CTCK Sài Gòn - SSI)
Tuần giao dịch qua, thị trương chỉ có một phiên tăng điểm và có tới 4 phiên giảm điểm. Không có phiên bán tháo mà thị trường giảm với tốc độ chậm do bên cầm cổ phiếu vẫn còn kỳ vọng vào thị trường. Mốc Fibonacci 61,8% ở 379 điểm có thể tiếp tục được thử thách vào tuần mới.Tuy vậy, nếu không có thông tin tích cực hỗ trợ cho sức cầu, mốc hỗ trợ trên có thể bị xuyên qua và hình thành các mốc thấp hơn quanh dải Lower Band.
Khả năng giảm sâu và kéo dài sẽ khó xảy ra
(CTCK Dầu khí - PSI)
Về mặt kỹ thuật, trạng thái dao động hẹp trên chỉ số hai sàn vẫn còn chưa chấm dứt, tuy nhiên tâm lý thị trường thiên về hướng thận trọng chờ đợi thêm thông tin hỗ trợ chứ không mang dấu hiệu tiêu cực. Do đó, nếu không có yếu tố tác động đột biến khiến áp lực bán giá thấp đột ngột tăng mạnh thì khả năng giảm sâu và kéo dài sẽ khó xảy ra.
Tuần mới, khu vực 375 điểm tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ với chỉ số VN-Index, vùng 50 điểm tương ứng là hỗ trợ với HNX-Index và tình trạng dao động với thanh khoản thấp có thể còn tiếp diễn trong những phiên đầu tuần.
Nhen nhóm kỳ vọng cho một đợt hồi phục nhỏ
(CTCK FPT - FPTS)
Qua quan sát trong 4 tháng vừa qua, VN-Index đã xuất hiện 2 đợt giảm mấu chốt, rơi vào các phiên có biến động mạnh về thông tin vĩ mô và thị trường. Cụ thể, đó là các phiên 21/8 và 2/11 khi các cá nhân bị điều tra do liên quan đến hoạt động thâu tóm và nhóm lợi ích chung trong ngành ngân hàng. Rủi ro xảy ra các thông tin có tác động mạnh tương tự vẫn chưa thể loại trừ.
Thông tin CPI tháng 11 ở mức thấp có thể được công bố nhưng chỉ có tính hỗ trợ tạm thời trong tuần mới. Hiện nay, khi mức đáy tạm 375 điểm gần kề, xu hướng bắt đáy có khả năng sẽ nhen nhóm kỳ vọng cho một đợt hồi phục nhỏ nếu như kiểm tra thành công khu vực hỗ trợ này.
Ngoài ra, mức hỗ trợ 380 điểm đầu tuần tới không được chúng tôi đánh giá cao do yếu tố thanh khoản không có dấu hiệu được cải thiện khi VN-Index tiếp cận khu vực này. Do đó, chiến lược đầu tư trong tuần mới cần thận trọng với những phiên kiểm tra tại mức hỗ trợ 380 điểm nhưng thanh khoản yếu.
Ngưỡng 375 điểm có thể là điểm mấu chốt nhờ xác định xu hướng chủ đạo tiếp theo của VN-Index. Mua trong phiên thị trường tăng điểm tiềm ẩn rủi ro T+ do đó nhà đầu tư cần hạn chế tối đa.
Thị trường đang trong 1 vùng tạo đáy ngắn hạn
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Thị trường tiếp tục trải qua một tuần giao dịch lình xình với tính thanh khoản ở mức thấp. Sự phân hóa vẫn diễn ra nhưng thị trường vẫn thiếu một nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt và đủ sức lan tỏa sang các nhóm khác.
Các thông tin cơ bản đa phần đều đã được phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu và diễn biến đi ngang trong biên độ hẹp hiện tại không cung cấp nhiều tín hiệu về mặt xu thế.
Mặc dù khả năng xuất hiện thêm một nhịp sụt giảm, đẩy hai chỉ số về vùng đáy cũ vẫn hiện hữu nhưng chúng tôi cho rằng cơ hội đầu tư ngắn hạn đang dần trở lại. Có thể lưu ý một số tín hiệu quan trọng cho thấy thị trường đang trong 1 vùng tạo đáy ngắn hạn khi vừa trải qua một nhịp sụt giảm khá dài và sâu, đã đủ các bước sóng giảm theo kịch bản đếm sóng Elliott trên phương diện kỹ thuật và tâm lý nhà đầu tư đang trong trạng thái khá chán nản, dè dặt.
Như vậy, điểm then chốt hiện nay đối với các nhà đầu tư là cân bằng tỷ trọng cổ phiếu hợp lý, vừa tránh bị động khi thị trường bước sang nhịp hồi phục nhưng phải kiểm soát được rủi ro nếu xuất hiện thêm 1 nhịp giảm điểm. Với quan điểm đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình kết hợp với việc “trading” một phần nhỏ, tích lũy ở vùng giá thấp và chốt lời ở vùng giá trên tham chiếu.
Chú ý đến những cơ hội đầu tư giá trị
(CTCK Maritime Bank - MSBS)
K thúc phiên giao dịch tuần qua, hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều giảm, đánh dấu một tuần giảm điểm của TTCK Việt Nam. Hai sàn chứng khoán biến động đi xuống trong biên độ hẹp, với khối lượng giao dịch thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Các cổ phiếu ngành bảo hiểm, dầu khí, xây dựng hầu hết đều giảm giá nhẹ hoặc đi ngang, chỉ có một số mã cổ phiếu đi ngược thị trường với thông tin cơ bản hỗ trợ. Tuần qua cũng ghi nhận việc khối ngoại khá thận trọng trong việc giải ngân và giảm mạnh việc mua vào cổ phiếu. Tương tự, nhà đầu tư nội cũng hạn chế giao dịch và có tâm lý đợi chờ cổ phiếu ở các mức giá thấp hơn.
Với diễn biến thị trường hiện nay, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi: đâu là đáy của thị trường và tình trạng ảm đạm kéo dài đến bao giờ? Theo lý thuyết sóng Elliot, cũng như quan sát chu kỳ giảm điểm của hai chỉ số VN-Index và HNX-Index, chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ tạo đáy khá rộng và giao dịch ảm đạm tiếp 4 - 8 tuần trước khi có sóng phục hồi tương đối lớn diễn ra vào cuối quý I/2013. Tuần này, chúng tôi vẫn không quá lạc quan về thị trường và dự báo thị trường sẽ biến động đi ngang. Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế giao dịch.
Không nên kỳ vọng nhiều ở việc bắt đáy
(CTCK Rồng Việt - VDSC)
Tuần giao dịch vừa qua là một tuần cực kỳ ảm đạm của các NĐT trên TTCK Việt Nam, các chỉ số giằng co trong kênh giảm giá gần như cả tuần giao dịch, đồng thời, thanh khoản cũng cạn kiệt về mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay khi mức độ quan tâm của cả NĐT trong nước và nước ngoài đối với kênh đầu tư chứng khoán suy giảm rõ rệt.
Phiên giao dịch cuối tuần cũng là phiên bế mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, những vấn đề được đưa ra chất vấn trong kỳ họp điển hình như nợ xấu, chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô và các chính sách điều hành tiền tệ - tài khóa cho năm 2013 là những vấn đề nóng được NĐT đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, có thể thấy, kỳ họp kết thúc đã không mở ra cánh cửa nào giúp cho NĐT bớt bi quan.
Theo đánh giá của chúng tôi, triển vọng phục hồi của các chỉ số trong ngắn và trung hạn là rất khó khăn. Vùng hỗ trợ 380 điểm của VN-Index nếu bị phá vỡ trong tuần giao dịch tới sẽ là yếu tố giúp cải thiện thanh khoản, tuy nhiên không nên kỳ vọng nhiều ở việc bắt đáy trong bối cảnh hiện nay.
Tiếp tục đứng ngoài thị trường
(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)
Đồng loạt giảm, 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index thiết lập các thanh bar thấp hơn, hướng về hỗ trợ gần nhất tương ứng tại 378 và 50,3 điểm. Gần khu vực này, động lực của người mua vẫn chưa rõ ràng. Thanh khoản giữ ở mức thấp.
Với diễn biến hiện tại, chúng tôi tiếp tục khuyến nghi nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường. Các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao và có tần suất giao dịch lớn hơn có thể lựa chọn chiến lược phi xu hướng bằng cách mua vào với tỷ trọng thấp khi chỉ số về gần 378. Mức dừng lỗ cho chiến lược này ở 371 điểm.