Diện tích đất (đã có sổ đỏ) của ông Đặng Hồng Quân
bị thu hồi từ năm 2008 đến nay vẫn chưa được chính quyền đền bù
Chính quyền xã thất hứa
Theo ông Đặng Hồng Quân và nhiều hộ dân thôn Đồng Chiêm (xã An Phú) phản ánh, năm 2008, UBND Mỹ Đức đầu tư xây dựng dự án tuyến đê bao sông Mỹ Hà tại thôn Đồng Chiêm. Để thực hiện dự án, UBND xã An Phú đã thu hồi hàng nghìn m2 đất (đã được cấp sổ đỏ) của nhiều hộ dân. Điều đáng nói, khi tiến hành thu hồi đất GPMB, UBND xã An Phú đã không làm đúng quy định, trình tự về GPMB, không có quyết định thu hồi đất, không niêm yết phương án đền bù về đất. Trước khi thu hồi, UBND xã cử cán bộ tổ chức họp các hộ dân bị thu hồi đất và hứa hẹn sau khi xây xong tuyến đê sẽ đền bù sau. UBND xã An Phú cũng thành lập tổ công tác tiến hành đo đạc, kiểm đếm, làm các biên bản ghi nhận thiệt hại về đất đai, tài sản trên đất khi GPMB. Trong các biên bản ghi rõ: "số diện tích đất bị ảnh hưởng, UBND xã sẽ hỗ trợ đền bù sau”. Tin chính quyền xã, người dân đã đồng thuận và giao mặt bằng cho chính quyền khi chưa được đền bù. Do vậy, cuối năm 2008, tuyến đê được hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thành, chính quyền xã lại không đả động gì đến việc đền bù thiệt hại cho người dân như đã hứa. Bức xúc, người dân liên tục khiếu nại đến các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp. Mặc dù đã có các văn bản của UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Mỹ Đức đôn đốc UBND xã An Phú giải quyết dứt điểm vụ việc để đảm bảo quyền lợi của nhân dân, nhưng chính quyền xã vẫn cố tình chây ỳ kéo dài đã hơn 4 năm. Ông Đặng Hồng Quân, người dân bị thu hồi đất chia sẻ: Hầu hết các hộ dân bị thu hồi đất là dân nghèo, đất đai ít ỏi nhưng khi vì lợi ích chung và tin lời hứa của xã chúng tôi đã giao đất khiến cuộc sống của chúng tôi rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. "Khi làm tuyến đê toàn thôn Đồng Chiêm có 7 hộ bị thu hồi đất với diện tích lên tới hơn 1000 m2, đến nay chưa hộ nào nhận được tiền đền bù . UBND xã đẩy thiệt hại lên đầu người dân như vậy là không thể chấp nhận được.”- Ông Đặng Văn Dùng, một hộ dân khác bức xúc.
4 năm hay lâu hơn nữa?
Để tìm hiểu rõ hơn những thắc mắc của người dân, chúng tôi đến UBND xã An Phú để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, thay vì thái độ hợp tác, cung cấp thông tin cho báo chí như Luật Báo chí đã qui định, thì ông Nguyễn Mạnh Ngự, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú đã cố tình gây khó khăn, né tránh cung cấp thông tin. Sau khi xem nội dung đơn khiếu nại của người dân, ông Phó Chủ tịch xã khẳng định: "Trường hợp này đang vu khống cán bộ xã”. Thậm chí, ông Ngự còn tuyên bố: "Đồng chí Chủ tịch UBND huyện công bố dứt khoát, các xã tiếp nhà báo phải có sự đồng ý của UBND huyện”. Khi phóng viên đề nghị được xem văn bản qui định về qui tắc làm việc như trên thì ông Ngự chống chế: "Không ra quyết định nhưng phải tuân thủ… còn ai ra qui định như thế thì phóng viên không có thẩm quyền để hỏi…”.
Liên quan đến dự án xây dựng đê bao ở xã An Phú, bà Lê Thị Kim Thúy, Trưởng phòng kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết: Dự án đê kè sông Mỹ Hà ở thôn Đồng Chiêm do UBND huyện Mỹ Đức làm chủ đầu tư. Huyện đã giao cho UBND xã An Phú tự giải phóng mặt bằng nên trách nhiệm giải quyết khiếu nại về đất thuộc thẩm quyền UBND xã. Chính quyền xã sẽ đền bù bằng đất cho người dân nhưng còn vướng mắc về thủ tục. Hiện tại làm thủ tục để cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân bên Phòng TN&MT huyện yêu cầu phải có quyết định thu hồi đất. Nhưng lúc bấy giờ do qui định của Hà Tây (cũ) không chặt chẽ nên khi thu hồi lại không có quyết định thu hồi đất.
Ông Hoàng Mạnh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức khẳng định: "Việc giải quyết khiếu nại của người dân xã An Phú thuộc trách nhiệm của UBND huyện và UBND xã An Phú, chúng tôi sẽ sớm kiểm tra nhưng cần có thời gian. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, thậm chí có thể khởi tố…”- ông Sơn cho biết.
Đức Sơn
Phim 49 ngay
Nguồn: daidoanket.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét