Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát kinh tế đã lập án đấu tranh và triệt phá một kho hàng áo ngực nhập lậu lớn nhất từ trước tới nay, thu giữ gần 60 nghìn chiếc áo ngực phụ nữ. Sáng 6/11, gần 20 cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) Công an TP Hà Nội, có sự phối hợp của Công an huyện Gia Lâm, Công an xã Dương Hà bất ngờ kiểm tra gia đình ông Ngô Văn Hoành, vợ là Nguyễn Thị Hiền, trú tại xã Dương Hà, huyện Gia Lâm. Tại thời điểm kiểm tra, khá nhiều đối tượng đang đóng gói mặt hàng áo ngực phụ nữ xuất xứ Trung Quốc đem đi tiêu thụ tại các đầu mối. Có 60 chiếc bao tải, bên trong chứa đựng gần 60 ngàn chiếc áo ngực, trị giá khoảng 4 tỷ đồng, không có hóa đơn, chứng từ đã bị lực lượng chức năng thu giữ. Theo khai nhận của ông Ngô Văn Hoành, gia đình ông mới kinh doanh mặt hàng này. Hàng được đặt qua các đối tượng chuyên "đánh hàng" Trung Quốc, vận chuyển bằng ôtô và tàu hỏa từ Lạng Sơn về Hà Nội tiêu thụ. Kiểm tra một số áo ngực thu giữ tại nhà ông Hoành, bên trong lớp vải có một túi nilon màu trắng, bên trong 3 hạt nhựa hòa lẫn với chất lỏng lầy nhầy?Số áo lót không rõ nguồn gốc bị Công an Hà Nội thu giữ.
Sáng 7/11, trao đổi với Trung tá Hà Thế Hùng, Đội trưởng Đội Chống xâm phạm sở hữu trí tuệ - Phòng CSKT - Công an TP Hà Nội, được biết: Mặt hàng áo ngực phụ nữ xuất hiện đầu tiên ở Đà Nẵng, sau đó lan ra thị trường các tỉnh phía Nam; những tháng gần đây mới xuất hiện ở Hà Nội.
Tại miền Bắc, hàng nhập lậu về được tập trung chủ yếu ở địa bàn một số xã thuộc huyện Gia Lâm như Ninh Hiệp, Đình Xuyên và Dương Hà; vì đây là những xã có tuyến đường thông thương với các tỉnh biên giới phía Bắc. Sở dĩ, áo ngực Trung Quốc tràn ngập thị trường là do mẫu mã đẹp, luôn thay đổi phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, lại bắt chước y trang các sản phẩm áo ngực nổi tiếng thế giới, trong khi giá cả lại rẻ hơn nhiều lần hàng "xịn" nên phù hợp với túi tiền của nhiều chị em.
Được biết, mỗi chiếc áo ngực nhập lậu chỉ được mua vào với giá từ 9.000đ đến 25.000đ; nhưng lại được bán ra từ 30.000đ đến 50.000đ/chiếc. Trong khi hàng có thương hiệu được bày bán tại các shop thời trang, giá dao động từ 200.000 đến 300.000 đồng/chiếc. Với mức giá như vậy, áo ngực nhập lậu đã lấn át và đánh bạt sản phẩm trong nước.
Sau khi phát hiện trong áo ngực nhập lậu, xuất xứ Trung Quốc có chứa chất lạ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng gây hoang mang dư luận, các cơ quan chức năng đã đồng loạt vào cuộc.
Tại Cần Thơ, Chi cục Quản lý thị trường sau 2 ngày kiểm tra chợ đêm ở phường Tân An, quận Ninh Kiều đã phát hiện, thu giữ 300 áo ngực có chứa chất lạ.Tại Vĩnh Long, một số lượng tương tự cũng bị thu giữ chỉ trong một buổi chiều khi lực lượng quản lý thị trường tại đây ra quân tại chợ Phước Yên, huyện Long Hồ và chợ đêm TP Vĩnh Long. Còn tại Thanh Hóa, sau 2 ngày ra quân, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh này cũng thu giữ 5.000 áo ngực có chứa chất lạ bày bán ở nhiều khu thương mại lớn như chợ Vườn Hoa, chợ Tây Thành, đường Lê Hữu Lập, Lê Hoàn...
Theo chúng tôi, tất cả những vụ phát hiện kiểm tra, thu giữ nêu trên chỉ là bề nổi của tảng bằng chìm. Có một thực tế là hàng hóa Trung Quốc nhập lậu, không có nguồn gốc đang lấn át khá nhiều mặt hàng trong nước bởi mẫu mã phong phú và giá cả quá rẻ so với hàng nội. Việc phát hiện, triệt phá của cơ quan chức năng là cần thiết, song cần duy trì thường xuyên; đặc biệt là phải kiểm soát gắt gao hơn tại các địa bàn biên giới.
Song có một điều mà chúng tôi áy náy hơn cả, đó là "văn hóa tiêu dùng" của người dân còn kém. Dân gian có câu: "Của rẻ là của ôi, của đầy nồi là của không ngon". Những sản phẩm nhập lậu, không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ là những sản phẩm không được kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng (kể cả cơ quan chức năng nước bạn); người sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, họ sẵn sàng sử dụng các nguyên vật liệu kém, giá rẻ, có thể gây độc hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
Nếu chúng ta chỉ vì cái lợi trước mắt, sẽ tạo ra những hệ lụy lâu dài cho bản thân và xã hội. Vì vậy, lời khuyên của tác giả bài viết này là mỗi chúng ta hãy cố gắng trở thành những người tiêu dùng thông thái; hãy nói "không" với hàng nhập lậu, hàng không có nhãn mác, xuất xứ vì chính bản thân mình và vì sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Đối với cơ quan y tế, từ lúc phát hiện chất lạ trong áo ngực phụ nữ tới nay đã hơn 1 tháng (phát hiện lần đầu ở Đà Nẵng) nhưng vẫn chưa hề có kết luận rõ ràng xem đó là chất gì, có độc hại không là sự chậm trễ khó hiểu!?
Nguồn: cand.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét